Tàu chở hàng tự hành đầu tiên sẽ xuất bến vào năm 2018
Nếu thành công, đây sẽ là một bước ngoặc đối với ngành vận tải đưởng biển.
Một chiếc tàu không người lái được đặt tên là Yara Birkeland dự kiến sẽ khởi hành vào năm 2018 với nhiệm vụ ban đầu là phân phối phân bón dọc theo tuyến đường dài 37 dặm (59,5 km) ở miền nam Na Uy.
Con tàu chạy điện này được thiết kế khá nhỏ gọn theo các tiêu chuẩn hiện đại với công suất vận chuyển từ 100 đến 150 container. Sự xuất hiện của nó có thể là bước ngoặt lớn cho ngành vận tải biển toàn cầu.
Theo Wall Street Journal, con tàu này sẽ tốn 25 triệu USD để sản xuất, tức là gấp 3 lần so với một con tàu thông thường có cùng kích thước. Tuy nhiên, Yara Birkeland tiết kiệm đến 90% chi phí hoạt động hàng năm bằng cách loại bỏ nhiên liệu và thủy thủ đoàn.
Dù dự kiến ra mắt vào năm tới nhưng khả năng tự động của con tàu này sẽ được triển khai theo từng giai đoạn. Trước tiên, nó sẽ được vận hành bởi một phi hành đoàn trên tàu. Đến năm 2020, tàu có thể đi vào vận hành hoàn toàn tự động.
Yara Birkeland đang được phát triển bởi công ty nông nghiệp Yara International và nhà sản xuất hệ thống dẫn đường Kongsberg.
Giám đốc điều hành của Yara nói với Wall Street Journal rằng một khi các quy định của pháp luật cho phép, công ty sẽ cho ra đời những con tàu lớn hơn với khả năng làm việc lâu hơn trên biển. Nếu tiết kiệm được chi phí như dự kiến, đây sẽ là cứu cánh cho toàn bộ ngành công nghiệp vận tải biển vốn đã phải nhiều năm vật lộn với tình trạng dư thừa dẫn đến lợi nhuận giảm và thậm chí khiến nhiều công ty lớn phá sản. Tác động của các tàu tự lái lên việc làm có thể nhẹ nhàng hơn so với xe chở hàng tự lái. Trong khi các xe tải tự lái có nguy cơ khiến hàng trăm ngàn lái xe tại Mỹ mất việc thì nhu cầu vận tải bằng đường biển đã giảm trong nhiều thập kỷ qua. Nhiều tàu container, kể cả tàu chở hơn 10.000 container hiện chỉ sử dụng 30 thuyền viên hoặc ít hơn.
Tham khảo: Fortune
Trí thức trẻ