Hàng loạt công ty con thuộc “ông lớn” nhà nước lỗ “khủng”
Kiểm toán nhà nước cho biết, nhiều doanh nghiệp trực thuộc tập đoàn, tổng công ty nhà nước thua lỗ lớn, âm vốn chủ sở hữu, có nguy cơ ngừng hoạt động hoặc giải thể…
Liên quan đến kết quả kiểm toán các Tập đoàn, tổng công ty nhà nướcnăm 2016, báo cáo Kiểm toán Nhà nước công bố ngày 21/7 cho biết, hầu hết các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp có sai sót trong việc hạch toán tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí; trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi, dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng giảm giá đầu tư tài chính không đúng quy định; xoá nợ chưa đủ điều kiện; hạch toán tài sản cố định chưa kịp thời…
Cụ thể, trích lập thiếu tại Tổng công ty 319 – Bộ Quốc phòng 22,55 tỷ đồng; Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn; Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn. Trích không đủ hồ sơ, không đúng đối tượng hoặc chưa đủ điều kiện: UDIC (Công ty mẹ 1,09 tỷ đồng); Vicem (Công ty mẹ 24,5 tỷ đồng; Vicem Bút Sơn 2,4 tỷ đồng; Vicem Hoàng Mai 1,3 tỷ đồng; Vicem Hải Vân 1,1 tỷ đồng; Vicem Tam Điệp 2,9 tỷ đồng; Vicem Bỉm Sơn 1,2 tỷ đồng); Becamex (Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước và Môi trường Bình Dương 0,84 tỷ đồng).
Trích lập dự phòng chưa đủ điều kiện: Vicem (Vicem Hải Phòng 30,64 tỷ đồng; Vicem Hoàng Thạch 52,44 tỷ đồng; Vicem Hoàng Mai 1,77 tỷ đồng; Vicem Hải Vân 5,29 tỷ đồng; Vicem Bỉm Sơn 1,53 tỷ đồng); VNPT (TCT Hạ tầng mạng và VNPT Hà Nội 34,26 tỷ đồng). Trích lập dự phòng vượt: Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk 8,4 tỷ đồng. Trích lập dự phòng thiếu: Becamex (CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương).
Những doanh nghiệp xoá nợ chưa đủ điều kiện: Satra 115,86 tỷ đồng; VietnamArilines (CTCP Hàng không Jestar Pacific Airlines 6,06 tỷ đồng); Tổng công ty Xăng dầu Quân đội – Bộ Quốc phòng 66,61 tỷ đồng; Samco (Công ty TNHH MTV Cảng Bến Nghé 2,62 tỷ đồng)…
Qua kiểm toán, Kiểm toán nhà nước kiến nghị điều chỉnh tăng tổng tài sản, nguồn vốn 1.700 tỷ đồng; tổng doanh thu, thu nhập tăng 3.992 tỷ đồng; lãi trong công ty liên doanh, liên kết giảm 293 tỷ đồng; tổng chi phí giảm 1.137 tỷ đồng.
Báo cáo cũng chỉ ra, hiệu quả kinh doanh của một số tập đoàn, tổng công ty giảm sút so với năm 2015, nhiều doanh nghiệp trực thuộc lỗ lớn, âm vốn chủ sở hữu, có nguy cơ ngừng hoạt động hoặc giải thể.
Cụ thể, các doanh nghiệp lỗ lớn thuộc Vicem như Vicem Tam Điệp lỗ 1.156 tỷ đồng, Vicem Hải Phòng 359 tỷ đồng; Tập đoàn cao su VRG (CTCP Thương mại Dịch vụ và Du lịch Cao su 317,9 tỷ đồng); VNPT (CTCP Vật liệu Bưu điện Việt Nam 53,28 tỷ đồng; CTCP Phát triển Dịch vụ Học tập và Giải trí trực tuyến VDC 26,86 tỷ đồng; Công ty TNHH Sản xuất thiết bị viễn thông - TELEQ 22,49 tỷ đồng…); Handico (CTCP Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội số 68 là 52,30 tỷ đồng); Lilama (CTCP Thủy điện Sông Vàng 94,30 tỷ đồng).
Các doanh nghiệp trực thuộc âm vốn chủ sở hữu như Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Công ty liên doanh Sakura Hà Nội Plaza 168,74 tỷ đồng - lỗ trước khi bàn giao về TCT); Petrolimex (Công ty TNHH MTV Petrolimex Singapore 1.335,23 tỷ đồng); VNA (CTCP Hàng không Jestar Pacific Airlines 129 tỷ đồng); TCT Du lịch Hà Nội (Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Hoàn Kiếm 79,2 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Du lịch và Thương mại Dân chủ 51,83 tỷ đồng); VNPT (Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện 43,14 tỷ đồng).
Trong khi đó, Samco (Công ty Xây dựng Giao thông Sài Gòn); UDIC (Công ty Liên doanh Xây dựng Hà Nội - Bắc Kinh dừng hoạt động từ năm 2009) được chỉ ra có nguy cơ ngừng hoạt động.
BizLIVE