DN cao su thiên nhiên: Nửa đầu năm thu lãi lớn, triển vọng cuối năm vẫn tốt

02:33

 DN cao su thiên nhiên: Nửa đầu năm thu lãi lớn, triển vọng cuối năm vẫn tốt

Giá cao su gần đây đã suy giảm nhưng bình quân trong 6 tháng đầu năm giá cao su xuất khẩu vẫn cao hơn 49% so với cùng kỳ năm trước. Điều này đã giúp không ít doanh nghiệp trong ngành báo lãi lớn, thậm chí sắp hoàn thành kế hoạch cả năm.

Giá cao su xuất khẩu tăng 49%, nguồn cung dự báo giảm
Năm 2016, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, giá bán cao su trên thế giới giảm, hạn hán ở nhiều tỉnh đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh. Theo đó, giá cao su xuất khẩu bình quân năm 2016 chỉ ở mức 1.333 USD/tấn, giảm 1% so với năm 2015, tương đương chỉ ở mức 28-30 triệu đồng/tấn. Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,26 triệu tấn cao su thiên nhiên, đạt kim ngạch 1,67 tỷ USD, tăng 10,6% về khối lượng và tăng 9% về giá trị so với năm 2015.
Giá cao su thế giới 2016 sụt giảm nghiêm trọng, thậm chí rớt xuống mức thấp kỷ lục 146.40 JPY/kg vào tháng 1/2016.
Tuy nhiên, qua 6 tháng đầu năm 2017, theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su thiên nhiên ước đạt 484.269 tấn với giá trị khoảng 896,3 triệu USD, đơn giá xuất khẩu bình quân khoảng 1.851 USD/tấn. So với cùng kỳ năm 2016, xuất khẩu cao su thiên nhiên 6 tháng đầu năm cao hơn 10% về lượng, tăng 64% về giá trị do giá tăng đến 49%.
Giá cao su nguyên liệu trong nước trong nửa đầu năm 2017 cũng khá mạnh, điển hình với mủ cao su dạng nước tại Đồng Nai tăng 2.700 VND/kg, từ 10.300 VND/kg lên 13.000 VND/kg.
Dẫu vậy, theo thông tin từ Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho biết, trong tuần cuối cùng của tháng 5, giá cao su thế giới liên tục giảm dẫn đến Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) hạ dự báo nguồn cung cao su thiên nhiên toàn cầu trong năm 2017. So với đỉnh giá ghi nhận vào cuối tháng 1, giá cao su TOCOM đến cuối tháng 6 đã giảm tới 42,8%. Giá giảm nên người dân hạn chế lấy mủ, dẫn tới thiếu hụt nguồn cung.
Ông Nguyễn Ngọc Bích, Tổng thư ký ANRPC cho biết: “Giá cao su thiên nhiên trên thị trường hàng thực đang chịu sự chi phối rất lớn từ tâm lý giao dịch trên hai sàn Thượng Hải và TOCOM. Trong khi đó, hai sàn giao dịch này lại rất nhạy cảm với những biến động trên thị trường tiền tệ, giá dầu thô và căng thẳng địa chính trị. Nói cách khác, thị trường cao su đang bị chi phối bởi những yếu tố bên ngoài, chứ không phải là yếu tố cung – cầu nữa”.
Thị trường đang trong xu hướng giảm nên người dân có thể sẽ giảm diện tích trồng cao su cũng như tần suất lấy mủ, ông Bích cho hay. Theo đó, ANRPC đã hạ dự báo nguồn cung cao su năm 2017 giảm xuống 12,756 triệu tấn, tức giảm 15.000 tấn so với mức dự báo trước đó.
Nhiều doanh nghiệp cao su thiên nhiên báo lãi lớn
Giá cao su thế giới tuy có suy giảm trong thời gian gần đây nhưng xét trên phương diện bình quân, giá cao su bình quân vẫn cao hơn nhiều so với 6 tháng đầu năm 2016. Trong 1 năm vừa qua, giá cao su thế giới cũng đã tăng hơn 26% và đang đứng ở mức 202,9 JPY/kg vào thứ 6 ngày 14/7/2017.
Đối với cao su xuất khẩu, giá bình quân cũng tăng khá mạnh từ mức 1.333 USD/tấn lên khoảng 1.851 USD/tấn đã giúp giá bán bình quân của doanh nghiệp trong nửa đầu năm vì thế cũng tăng mạnh.
Nhờ giá bán tăng cao, hàng loạt doanh nghiệp cao su đã công bố kết quả kinh doanh khá ấn tượng với mức lợi nhuận đều tăng trưởng mạnh mẽ.
Cụ thể, với giá bán bình quân 47,1 triệu/tấn, tăng 60% so với năm ngoái, Cao su Đồng Phú ghi nhận doanh thu 6 tháng đạt 340 tỷ đồng, tăng 47%. Lợi nhuận gộp ở mức 154,6 tỷ đồng, gấp hơn 2,5 lần cùng kỳ và tương đương 81% chỉ tiêu năm đề ra.
Sản lượng của Cao su Đồng Phú (DPR) trong 6 tháng đầu năm đạt 5.245 tấn, tăng trưởng 27%. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 4.250 tấn và sản lượng thu mua 995 tấn, lần lượt cao hơn 24% và 40% so với năm ngoái. Còn sản lượng chế biến đạt 5.710 tấn, tăng 14%.
Trong 6 tháng đầu năm Cao su Phước Hòa (PHR) bán được 10.771 tấn mủ thành phẩm với sản lượng khai thác đạt 4.938 tấn mủ quy khô. Giá bán bình quân của Công ty gần 45 triệu/tấn, cao hơn 54,8% so với cùng kỳ năm 2016. Từ đó, tổng doanh thu (kể cả mủ skim) 6 tháng đầu năm đạt 487,5 tỷ, tăng trưởng 18%. Trong khi đó, tổng lợi nhuận trước thuế ước đạt 161,2 tỷ gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, Cao su Dầu Tiếng đạt tổng doanh thu 982 tỷ đồng (trong đó doanh thu cao su 779 tỷ đồng), đạt hơn 54% KH; lợi nhuận trước thuế đến 375 tỷ đồng.
Với Cao su Thống Nhất, trong 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu và thu nhập khác của TNC là 44,5 tỷ đồng, trong khi đó lợi nhuận trước thuế đạt 21,8 tỷ. So với cùng kỳ năm 2016, doanh thu và lợi nhuận trước thuế đã tăng trưởng đến 68% và 11%.
Còn Cao su Tây Ninh mang về lợi nhuận hơn 71,3 tỷ đồng gấp 3,5 lần cùng kỳ năm ngoái chủ yếu nhờ giá bán bình quân trên 48 triệu/ tấn cao hơn cùng kỳ đến 67%. Trong khi, sản lượng tiêu thụ của TRC trong nửa đầu năm đạt 4.438 tấn, tăng trưởng 5%.
Giá cao su gần đây đã quay đầu giảm khi bước vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên, lộ trình giá cao su hằng năm là thường giảm khi bước vào vụ thu hoạch và tăng vào dịp cuối năm nên có nhiều khả năng thị trường sẽ dần khởi sắc trong nửa năm còn lại, đẩy giá thu mua lên cao và tiếp tục giúp các doanh nghiệp tăng trưởng mạnh hơn nữa.
Đồng thời, có thông tin 3 nước xuất khẩu cao su lớn là Thái Lan, Indonesia và Malaysia đang bàn bạc lấy ý kiến việc cắt giảm xuất khẩu cao su trong 6 tháng cuối năm 2017 nhằm đẩy giá lên cao. Hơn nữa, trong ngắn hạn triển vọng thị trường cao su vẫn còn khá mạnh do mùa mưa có thể khiến hoạt động khai thác cao su của cả 3 nước bị gián đoạn từ đó khiến nguồn cung bị suy giảm.
Theo Huy Lê - Cafef
NDH
Previous
Next Post »