"Cơn khát" nhân lực ngành CNTT: Chuyển hướng đào tạo

18:57

"Cơn khát" nhân lực ngành CNTT: Chuyển hướng đào tạo

Sự thay đổi nhanh chóng của các ngành kinh tế trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo sức ép lên sự thay đổi của thị trường lao động và đòi hỏi chuyển hướng đào tạo nguồn nhân lực để theo kịp các trào lưu công nghệ mới.
"Cơn khát" nhân lực ngành CNTT: Chuyển hướng đào tạo
Trong vòng 20 năm, lao động Việt Nam tăng hơn 19 triệu người, từ mức 35 triệu năm 1996 lên 54,4 triệu năm 2016. Theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của Việt Nam đã cải thiện đáng kể trong giai đoạn này nhưng vẫn ở mức thấp so với nhiều nước trong khu vực.
Cụ thể, năm 2015, năng suất lao động bình quân của Việt Nam bằng 4,4% của Singapore, 17,4% của Malaysia, 35,2% của Thái Lan, 48,5% của Philippines, 48,8% của Indonesia. Thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng đáp ứng nền kinh tế thay đổi theo xu thế hiện đại đang trở thành lực cản của năng suất lao động.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra những đột phá về công nghệ khiến những ngành tăng trưởng vượt bậc và nhiều ngành nghề rơi vào suy thoái. Sự biến động này đang trở thành áp lực với các tổ chức giáo dục hướng nghiệp để chuyển đổi đào tạo nguồn nhân lực thích ứng với yêu cầu của thị trường. Theo các chuyên gia, xu thế đó tạo áp lực lớn nhất đến ngành công nghệ thông tin (CNTT) tại Việt Nam, khi ngành này đang bước sang giai đoạn có mức cầu cao nhất trong lịch sử lao động Việt Nam.
Xác định mô hình đào tạo mới là thách thức lớn khi nguồn nhân lực hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường, hệ thống đào tạo chưa được cập nhật kịp thời và thiếu gắn kết với thực tiễn phát triển nghề tại các nhà máy.
Ngành CNTT đang có mặt ở khắp các ngóc ngách kinh tế, từ các công ty gia công, phát triển phần mềm cho thị trường toàn cầu vốn đòi hỏi lực lượng lớn kỹ sư, doanh nghiệp ở các ngành nghề đều cần bộ phận CNTT quản trị hệ thống và an toàn rủi ro, các công ty startup phần lớn đều xuất phát từ lĩnh vực này, cho đến nhu cầu phát triển giao thông thông minh, an ninh mạng, lập trình hệ thống, thiết kế 3D...
Theo ông Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch Công ty TNHH Phần mềm FPT (FPT Software), ước tính từ nay đến 2020, quy mô đào tạo kỹ sư CNTT tăng lên gấp ba lần mới có thể đáp ứng về số lượng.
Tại Hội thảo Đổi mới công nghệ và ứng dụng IoT vào sản xuất thông minh mới đây tại TP.HCM, TS. Đào Đình Khả - Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin cho rằng, bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là phát triển kinh tế - xã hội trên nền tận dụng kho dữ liệu khổng lồ để phân tích và dự báo.
Làn sóng công nghệ mới có thể thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng đột phá nhưng nếu không tận dụng được sẽ rơi vào tụt hậu nghiêm trọng. Để có con người thích ứng, trước hết cần thay đổi giáo trình đào tạo để đưa ngành CNTT giữ vai trò then chốt trong việc chuyển đổi này.
Theo PGS-TS. Dương Anh Đức - Phó giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, đặc thù của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là nguồn nhân lực chất lượng cao phát triển trên nền tảng công nghệ thông tin, là một thách thức lớn đối với người làm giáo dục và nghiên cứu khoa học.
Về bản chất, cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là tăng cường trí thông minh nhân tạo vào cuộc sống, ở đó nguồn nhân lực đóng vai trò sáng tạo và khai thác môi trường này. "Ngành giáo dục cần có định hướng cụ thể để thích ứng với yêu cầu chuyển đổi này và xem đó là cơ hội hiếm có cần tận dụng" - ông Đức khẳng định.
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, nếu trước nay ngành giáo dục chủ trọng vào đối tượng học nghề, sinh viên đại học thì tương lai của các ngành công nghiệp đòi hỏi từ công nhân đến chuyên gia đều phải cập nhật về kiến thức và kỹ năng ở mức độ cao hơn để thích ứng kịp với đà phát triển công nghệ. Thực tiễn đó là áp lực đối với các nhà đào tạo nghề, buộc phải tích hợp kiến thức mới vào các ngành học liên quan để người học thích ứng trong môi trường kết nối và tự động hóa cao.
Theo ông Võ Quang Huệ - Tổng giám đốc Công ty TNHH Bosch Việt Nam, công nghệ thay đổi làm tiền đề cho những ý tưởng sáng tạo và đột phá trong các mô hình kinh doanh. Quan điểm của Bosch cũng như các tập đoàn công nghiệp lớn là thúc đẩy mô hình đào tạo gắn liền với nhà máy theo quan điểm công nghiệp 4.0, là sự kết nối quá trình sản xuất để tinh gọn quy trình, nâng cao năng suất.
Trong đó, các thiết bị kết nối trong công nghiệp, máy móc được trang bị cảm biến. Vì thế, huấn luyện cơ điện tử là phù hợp với các trường đại học, cao đẳng khối kỹ thuật hay các trung tâm đào tạo nghề.
Theo TUYẾT ÂN - HOÀNG DUY
Doanh nhân Sài Gòn
Previous
Next Post »