Chuyện hãng nước mắm Việt không bao giờ bán trong nước, chỉ để xuất khẩu với giá cao gấp 10 lần vẫn được cả thế giới ca ngợi

02:48

Chuyện hãng nước mắm Việt không bao giờ bán trong nước, chỉ để xuất khẩu với giá cao gấp 10 lần vẫn được cả thế giới ca ngợi

Chuyện hãng nước mắm Việt không bao giờ bán trong nước, chỉ để xuất khẩu với giá cao gấp 10 lần vẫn được cả thế giới ca ngợi

Tại Hà Nội, mỗi chai nước mắm lớn có giá khoảng 1 USD thì một chai Red Boat 250ml được bán tại siêu thị Dean&Deluca ở New York có giá 10 USD.

"Đầu bếp trên khắp thế giới ai cũng hết lời khen ngợi hương vị đặc biệt của chai nước mắm nhỏ, sản xuất theo công thức gia truyền mang tên Red Boat" là câu mở đầu bài viết về một thương hiệu nước mắm trên tờ The Economist của Anh.
Điều đặc biệt là thương hiệu nước mắm Red Boat ấy có xuất xứ từ Việt Nam, và được sản xuất tại Phú Quốc.
Bỏ việc 16 năm tại Apple đi làm nước mắm
Cường Phạm cùng bố mẹ tới Mỹ vào năm 1979. Cả gia đình sống tại California và sau này ông trở thành kỹ sư tại Apple trong suốt 16 năm.
Tuy nhiên trong quá trình sống tại Mỹ, mẹ của ông lại không thể tìm thấy nước mắm – một loại gia vị truyền thống của Việt Nam và điều này khiến bà cảm thấy vô cùng nhớ quê hương.
Ngoài ra sau khi tìm hiểu, Cường Phạm phát hiện ra rằng có nhiều sản phẩm tại Mỹ là hàng nhái của các công ty ở Thái Lan.
Chính vì vậy, Cường Phạm quyết định quay trở lại Phú Quốc để khởi nghiệp công ty nước mắm của riêng mình mang thương hiệu Red Boat. Khi ấy, ông mang theo khát vọng mang nước mắm Phú Quốc đúng nghĩa vào nước Mỹ cũng như khôi phục lại công việc gia truyền bao đời đã mất của gia đình.
Cái tên Red Boat theo giải thích của Cường Phạm gắn với hình ảnh thuyền đánh cá và màu đỏ biểu tượng cho sự hăng hái, may mắn, khát vọng theo quan niệm châu Á.
Nếu như trước đây nước mắm thường không xuất hiện trong các bữa ăn của người phương Tây thì hiện tại mọi thứ đã bắt đầu thay đổi nhờ hương vị đậm đà mà không một loại gia vị nào khác có thể mang tới được.
Riêng tại Việt Nam, thống kê cho thấy có hơn 95% hộ gia đình sử dụng nước mắm trong các bữa cơm hàng ngày. Tại Thái Lan, nước mắm có tên gọi là “nam pla”, người Campuchia gọi là “tik trey” và “patis” được dùng tại Philippines.
Phú Quốc nổi tiếng là nơi sản xuất ra nước mắm hảo hạng nhất, cũng như vùng Bordeaux sản xuất rượu vang của Pháp vậy. Trong chuyến ghé thăm nhà máy sản xuất nước mắm của Cường Phạm tại trung tâm thị trấn Dương Đông, bạn có thể ngửi thấy mùi nước mắm từ rất xa dù chưa nhìn thấy nhà máy.
Phương châm kinh doanh nước mắm như... làm phần mềm
Bước vào bên trong nhà máy là khoảng 85 thùng gỗ có kích thước từ 1,5-3m đường kính, cao từ 2-4m, chứa khoảng 12 tấn cá cơm (loại cá thân nhỏ, thơm ngon và có nhiều chất đạm) đánh bắt từ Vịnh Thái Lan và ướp trong muối biển (quy trình này gọi là chượp).
Quy trình ủ tiêu chuẩn với nước mắm ở Phú Quốc là 12 tháng, cá biệt tới 15 tháng. Sau thời gian này, nước mắm mới được rút: Ban đầu là nước mắm cốt có độ đạm trên 30, tiếp đến là nước mắm long có độ đạm trên 20. Sau khi đã kéo rút kiệt đạm trong chượp, các loại nước mắm mới được đấu trộn lại để có độ đạm theo tiêu chuẩn.
Là một người có kinh nghiệm làm việc nhiều năm tại Apple, triết lý kinh doanh của Cường Phạm là luôn đặt chất lượng lên hàng đầu.
Ông cho biết: “Tôi nghĩ đơn giản, kinh doanh nước mắm thì cũng giống như làm phần mềm. Bạn phải thật sự hiểu rõ và tạo ra sản phẩm đúng như ý người tiêu dùng thì sản phẩm mới được ưa chuộng. Sau đó là phân phối, làm tiếp thị quảng bá sản phẩm. Nhưng trước hết phải là sản phẩm tốt”.
Bằng chứng là nếu như bình thường, mắm nhĩ (còn gọi là nước mắm cốt là loại nước mắm có độ đạm rất cao, vị ngọt nhẹ, màu vàng rơm đến vàng nhạt, trong và có mùi đặc trưng) ít khi được bán trên thị trường mà thường được các nhà thùng sử dụng để pha đấu với các loại nước mắm thấp đạm khác cho ra các sản phẩm nước mắm thương phẩm thì Cường Phạm lại quyết định bán trực tiếp mắm nhĩ ra thị trường.
Ngoài ra, để giữ được đúng hương vị truyền thống, ông cho ướp cá đúng công thức có từ 200 năm trước của Phú Quốc tới 12 tháng, thay vì rút ngắn 10 tháng như một số nhà thùng để chạy theo lợi nhuận.
“Mọi người nghĩ tôi bị điên”, Cường Phạm chia sẻ. Cũng chính bởi vậy mà sản lượng nước mắm thương hiệu Red Boat chỉ vào khoảng 3.000 lít mỗi thùng. Tuy nhiên đổi lại, điều Red Boat có được là chất lượng sản phẩm thượng hạng.
Chỉ xuất khẩu, bán giá gấp 10 lần sản phẩm trong nước
Nhờ chất lượng thượng hạng, Red Boat có thể bán giá cao hơn gấp 3 lần đối thủ cạnh tranh tại thị trường Mỹ. Cụ thể, Red Boat có giá 10 USD thay vì 3 USD như các hãng nước mắm thông thường. Tuy nhiên, nó chứa lượng protein dồi dào hơn và hương vị đậm đà hơn.
Còn nếu so sánh với thị trường trong nước như tại Hà Nội, mỗi chai nước mắm lớn có giá khoảng 1 USD thì một chai Red Boat 250ml được bán tại siêu thị Dean&Deluca ở New York có giá 10 USD.
Hiện tại, Red Boat có mặt tại Mỹ mở rộng ra cả Pháp, Úc, Singapore, châu Âu, Hong Kong nhưng điều đặc biệt là bạn không thể tìm mua được loại nước mắm này tại chợ hay siêu thị Việt Nam bởi toàn bộ sản phẩm đều được xuất khẩu.
Nhìn chung dù ý tưởng ban đầu chỉ là làm vui lòng mẹ nhưng thực tế thương hiệu nước mắm Red Boat của Cường Phạm hiện đã được rất nhiều đầu bếp trên khắp khu vực Thái Bình Dương và châu Âu ưa thích.
Theo Vân Đàm - Cafef
Trí thức trẻ
Previous
Next Post »