4 tháng kể từ khi Platinum rút khỏi Times City và Royal City, CGV đã chính thức vào thế chỗ
Chỉ trong hơn 7 tháng đầu năm nay, CGV đã mở thêm tới 11 cụm rạp chiếu phim, lớn nhất từ trước đến nay. Trước đó, CGV mở thêm 8 rạp trong năm 2016 nhưng doanh thu vẫn đi ngang.
Đầu tháng 3 vừa qua, chuỗi rạp chiếu phim Platinum đã đồng loạt ngừng hoạt động tại hệ thống các trung tâm thương mại của Tập đoàn Vingroup, gồm Vincom Long Biên, Royal City và Times City.
Sau hơn 4 tháng kể từ ngày Platinum đóng cửa, CGV đã chính thức trở thành cái tên thay thế Platinum.Ngày 14/7 vừa qua, CGV đã đồng loạt khai trương 2 cụm rạp tiêu chuẩn quốc tế tại Times City và Royal City.
Trước đó, nhiều người cũng đồn đoán về cái tên thay thế cho Platinum, có ý kiến cho rằng, Tập đoàn Vingroup sẽ lấn sân sang lĩnh vực chiếu phim. Tuy nhiên, thực tế điều này đã không xảy ra.
Lượng khách đến CGV Times City khá thưa thớt trong những ngày đầu khai trương. Ảnh: Thái Hà
Trong nửa đầu năm 2017, tốc độ mở rộng của CGV đang tăng vọt so với các năm trước. Năm 2015, CGV mở thêm 10 rạp, năm 2016 mở thêm 8 rạp, nhưng chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, CGV đã có 8 rạp, bằng với lượng rạp mở trong năm 2016.
Còn tính đến thời điểm hiện tại (giữa tháng 7/2017), CGV đã có tổng cộng 49 cụm rạp, đồng nghĩa với việc năm 2017 chắc chắn sẽ là năm mở nhiều rạp nhất của CGV từ trước đến nay.
CGV dự kiến mỗi năm sẽ đầu tư xây dựng 12-15 cụm rạp mới, trong đó có 4-5 cụm rạp tại các tỉnh thành xa. Dự kiến trong năm 2017, CGV sẽ đầu tư khoảng 15 triệu USD trong việc xây dựng 8 hệ thống cụm rạp tại riêng thủ đô Hà Nội.
CGV ồ ạt mở rộng trong bối cảnh chuỗi rạp chiếu này đang tăng trưởng chậm lại. Năm 2016, dù mở thêm 8 rạp nhưng doanh thu CGV chỉ tăng 3,3%. Thị trường rạp chiếu phim ngày càng cạnh tranh khi các đối thủ cũng mở rộng nhanh không kém.
Không những vậy, hồi giữa năm 2016, CGV từng bị 8 nhà sản xuất và phát hành phim Việt Nam tố ăn chia phòng vé không sòng phẳng. Theo khiếu nại của 8 đơn vị, CGV đã áp đặt tỷ lệ ăn chia bất hợp lý tại hệ thống rạp của mình, khi phim do CGV phát hành hay phim do các đối tác khác phát hành thì CGV cũng hưởng 55%, trong khi các hãng nhận 45%. Tỷ lệ này chưa từng xảy ra trên thế giới khi hệ thống rạp chiếu phim lại nhận được lớn hơn nhà sản xuất và phát hành - những người bỏ chi phí lớn, không chỉ cho sản xuất phim, mà còn cho marketing và phát hành phim.
Sau khi bị khiếu nại, CGV cũng gặp rắc rối khi không được phân phối chiếu các phim bom tấn như "X-men: Apocalypse", "Independence Day: Resurgence" hay "Tấm Cám". Trong đó, Tấm Cám là phim đã lập kỷ lục về doanh thu phim Việt năm qua.
Trí Thức Trẻ