Dừng dịch vụ đi chung xe của taxi Uber, Grab tại thủ đô Hà Nội

19:45

Dừng dịch vụ đi chung xe của taxi Uber, Grab tại thủ đô Hà Nội

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa thống nhất với với quan điểm chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải tạm thời chưa áp dụng hình thức đi chung xe của Grab và Uber đối với xe hợp đồng trên địa bàn thành phố trong thời gian chờ quy định của Bộ Giao thông Vận tải đối với hình thức vận tải này.
Dừng dịch vụ đi chung xe của taxi Uber, Grab tại thủ đô Hà Nội
Dịch vụ đi chung xe GrabShare của Grab. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+
Trong thời gian tới, Sở Giao thông Vận tải tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành của thành phố và các cơ quan của Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu các giải pháp quản lý các hình thức vận tải mới để đảm bảo đem lại lợi ích cho xã hội và theo đúng các quy định của pháp luật.
Dịch vụ đi chung xe do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Grab Taxi và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Uber Việt Nam đăng ký với Bộ Giao thông Vận tải được viết tắt là GrabShare và UberPOOL.
Dịch vụ đi chung xe ghép các hành khách có trùng hành trình vào một chuyến xe (chia sẻ hành trình). Do vậy, tối ưu hóa hiệu quả vận hành xe và giảm số lượng xe lưu thông trên đường.
Tuy nhiên, dịch vụ này chưa có các biện pháp đảm bảo an toàn cho hành khách đi xe, bảo vệ quyền lợi của hành khách; không phù hợp với quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 45 Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 7/1/2014 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ôtô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ; không trong kế hoạch triển khai thí điểm ban hành kèm theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016 cùa Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và hiện nay chưa có quy định quản lý đối với hình thức vận tải này.
Trong quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng ôtô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ có nêu rõ các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe chỉ được đón, trả khách tại các địa điểm đã ghi trong hợp đồng.
Ngoài ra, việc thu cước vận tải theo giá trị hợp đồng đã ký kết, không được bán vé, thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức.
Quy định cũng nêu rõ hợp đồng vận chuyển hành khách được ký kết giữa đơn vị kinh doanh vận tải với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê cả chuyến xe. Đối với mọi chuyến xe đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký kết một hợp đồng vận chuyển khách.
Hợp đồng vận chuyển hành khách phải có các nội dung cơ bản như thời gian thực hiện, địa chỉ nơi đi, đến, hành trình chạy xe chiều đi và về. Ngoài ra, hợp đồng cần ghi rõ số lượng hành khách, giá trị hợp đồng, quyền lợi của khách và dịch vụ phục vụ hành khách trên hành trình.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu tất cả đơn vị tham gia thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng không triển khai dịch vụ tương tự (hình thức đi chung xe).
Bộ cũng yêu cầu Sở Giao thông Vận tải địa phương có hoạt động thí điểm tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị tham gia thí điểm trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các quy định, chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định.
Hà Nội là một trong các địa phương được được Bộ Giao thông Vận tải lựa chọn cho Uber, Grab thí điểm triển khai đề án ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách tại thị trường Việt Nam.
Theo Việt Hùng-Cafe biz
Vietnam+
Previous
Next Post »