Tiếng Anh kém, năng lực chẳng nổi trội, cô sinh viên Ngoại thương này làm thế nào để trở thành Đại sứ Google?

21:08

Tiếng Anh rất dở, profile kém nhất trong các ứng viên, “apply bừa” khi deadline đã quá 7 ngày, cô sinh viên FTU Nguyễn Hà San ngày đó cũng không hiểu tại sao mình lại được chọn làm Đại sứ sinh viên Google Đông Nam Á…

Tiếng Anh kém, năng lực chẳng nổi trội, cô sinh viên Ngoại thương này làm thế nào để trở thành Đại sứ Google?
Nguyễn Hà San (phải) - Top 3 Đại sứ sinh viên Google Đông Nam Á năm 2015.
Nguyễn Hà San – cô sinh viên ĐH Ngoại thương (FTU) từng là Đại sứ sinh viên Google Đông Nam Á năm 2015 – nay đang giữ cương vị Marketing manager tại ILIAT Education và TechKids - Coding school.
Hồi tưởng lại quãng thời gian nộp đơn vào chương trình Đại sứ sinh viên Google Đông Nam Á (GSA), San cho biết đã "choáng" khi chương trình này đòi hỏi một lượng hồ sơ “kinh khủng”.
“Họ yêu cầu đâu đó 10 bài Essay (Bài luận – PV), trong khi các chương trình khác thường chỉ đòi hỏi 1 – 2 bài. Đề bài đưa ra cũng rất khó, ví như Chúng tôi không có đồng nào cho bạn, làm thế nào bạn tổ chức một chương trình cho 1.000 người quan tâm tới công nghệ của Google...”, San nhớ lại.
“Tôi nhìn qua rồi từ bỏ”.
Đến khi qua deadline nộp hồ sơ 7 ngày. Trong lúc khá bế tắc, San quyết định cứ nộp hồ sơ bừa.
Đến 30/4/2015, cô nhận được cuộc gọi từ Google thông báo cô đã đỗ. Năm đó, San là đại diện Việt Nam duy nhất lọt vào Top 3 Đại sứ sinh viên Google Đông Nam Á.
Tiếng Anh của San khá dở như cô thừa nhận, điểm GPA (Grade Point Average - điểm trung bình đánh giá sinh viên theo hệ thống giáo dục Mỹ, thường sử dụng khi nộp đơn du học) cũng thấp.
Cô không hiểu chuyện gì xảy ra.
Bước ra khỏi vùng an toàn của chính mình
Khi sang Philippines dự Google Summit theo chương trình GSA, San đã thẳng thắn hỏi người phụ trách lý do cô được chọn thì được biết: Việt Nam có 5 người apply vào chương trình lần này, profile của San là kém cỏi nhất trong số đó.
“Nhưng họ nhìn thấy ở tôi sự quyết tâm không từ bỏ. Profile của tôi kém nhất nhưng lại có tính cam kết nhất, thuyết phục nhất để họ trao cơ hội này”, San cho biết.
“Một trong những lý do giúp tôi chiến thắng là tinh thần không từ bỏ khi ấy. Tôi đã apply và cố gắng trong 7 ngày hoàn thành hồ sơ, kể cả bỏ hơn 1,5 triệu đồng để làm passport nhanh dù chưa biết có được chọn hay không”.
San đã lấy mình làm minh chứng để gửi lời nhắn nhủ tới các bạn trẻ: Hãy bước ra khỏi vùng an toàn của chính mình. Một khi trong tay không có gì thì muốn gì cứ làm, thích chương trình nào cứ apply. Apply nhiều, trượt nhiều, kiểu gì cũng có nhiều kinh nghiệm và sẽ đỗ.
Chia sẻ tại Talkshow “Đi ra thế giới từ khi còn là sinh viên” với chủ đề “Châu Á là nhà, đừng khóc!”, Đỗ Thúy Quỳnh – bạn trẻ từng tham gia Diễn đàn Thanh niên Châu Á (Asian Youth Forum) và Hội nghị thượng đỉnh các Nhà lãnh đạo trẻ Đông Nam Á (ASEAN Future Leaders Summit) – cũng nhắn nhủ: Hãy cho bản thân lần đầu tiên bước ra khỏi vùng an toàn của chính mình!
“Apply thì các bạn còn có cơ hội đỗ, còn không thì chắc chắn trượt. Hãy thử bước ra vùng an toàn của mình một lần, những lần sau các bạn sẽ tự tin hơn rất nhiều. Sau lần đầu tiên với nhiều trở ngại, bạn sẽ khác biệt so với các bạn không dám làm, lười và từ bỏ. Chúng ta khác vì chúng ta dám thử”, Quỳnh nói.
Sẽ có rất nhiều cái lần đầu tiên, nhưng cứ làm đi, đừng sợ!
Các diễn giả tại tọa đàm cũng khuyên các bạn trẻ đừng nghĩ rằng mình không có gì, phải nghĩ rằng chắc chắn mình có một điều gì đó để tự tin thể hiện.
Hãy cho phép mình thất bại. Nếu thất bại thì làm lại từ đầu. Bây giờ các bạn còn rất trẻ, apply nếu trượt thì cũng chỉ mất một chút thời gian và công sức, nếu may mắn được lựa chọn thì thời gian và công sức bỏ ra rất xứng đáng.
Thanh Hoàng – đại biểu Việt Nam từng tham dự nhiều hội nghị tại Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản – cũng chỉ ra cách khắc phục 3 nhược điểm thường gặp ở các bạn trẻ.
Một là, tiếng Anh kém. Hãy cứ viết essay, diễn đạt như mình đang nói chuyện. Chỉ cần viết ý, nội dung rõ ràng để ban tổ chức có thể đọc và hiểu được, sau đó nhờ một bạn học tiếng Anh tốt xem lại cho mình.
Nếu hoạt động ngoại khóa ít, bạn cứ thoải mái đưa thêm hoạt động nhỏ như: Mùa hè xanh, hiến máu, tình nguyện, thậm chí là sở thích cá nhân của bạn… để ban tổ chức thấy được sự nhiệt tình, năng động, đam mê của bạn.
Nếu điểm GPA thấp, bạn có thể thi thêm GMAT, GRE (bài thi dành cho học sau ĐH các ngành kinh doanh, tự nhiên, xã hội) để bù đắp lại.
Dù profile của bạn có thể chưa thật sự tốt đủ để vượt qua những người cùng apply khác, nhưng hãy thuyết phục ban tổ chức rằng bạn là người xứng được chọn. Hãy cho họ thấy được sự cam kết, sự quyết tâm của bạn, hãy cho họ thấy bạn thật sự không ngại khó, không ngại thử thách, và bạn chính là người xứng đáng nhất.
Previous
Next Post »