Tháng 2, các hệ thống siêu thị di động ghi nhận tình trạng suy giảm doanh thu nặng nề do dư âm của Tết. Nhiều người kỳ vọng Samsung Galaxy S8 và các smartphone Nokia sẽ hâm nóng thị trường 6 tháng đầu năm.
Ông Mai Triều Nguyên, chủ hệ thống Mai Nguyên, than thở “thị trường giờ bán chậm”, “đứng hình”. Đồng cảnh ngộ, ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện hệ thống CellphoneS, cũng cho biết doanh số sụt giảm mạnh khoảng 20% so với bình thường.
“Trước Tết người ta mua hết rồi nên giờ không còn nhu cầu mua mới”, ông Huy chia sẻ.
Thêm vào đó, ông Nguyên cho rằng tâm lý chờ đợi sản phẩm mới ở các sự kiện như MWC 2017 vừa diễn ra cũng khiến người tiêu dùng dừng vung tay. Là hệ thống có thế mạnh ở phân khúc cao cấp, ông chủ Mai Nguyên còn cho rằng hiện nay hầu hết khách hàng đã sở hữu máy xịn rồi, không còn nhu cầu nâng cấp nữa.
Đại diện cả hai hệ thống nói trên đều cho biết chỉ chờ vào cú hích sản phẩm mới ra mắt sắp tới. Gần nhất là sự kiện ra mắt Samsung Galaxy S8 vào 29/3 tại Mỹ, có thể giới thiệu tại Việt Nam trong vòng hai tuần sau đó. Thêm vào đó là loạt sản phẩm mới ra mắt từ MWC 2017.
Tại các hệ thống lớn, tình trạng ảm đạm cũng diễn ra tương tự. Đại diện FPT Shop cho biết theo chu kỳ bình thường của các mùa kinh doanh, tháng sau Tết âm lịch thường bán chậm và nằm trong dự liệu của họ. Thế Giới Di Động cũng thừa nhận doanh số bán không tốt bằng tháng trước đó, do tháng Tết là tháng bán hàng đột biến nên chắc chắn các tháng còn lại, đặc biệt tháng sau Tết sẽ không thể bằng do người mua hầu hết dồn tiền mua sắm vào dịp cuối năm âm lịch.
Tuy vậy, nếu so với tháng cùng kỳ, các hệ thống lớn cho biết doanh số có tăng, chủ yếu do số lượng siêu thị tăng so với năm ngoái, và vì nhu cầu thị trường cũng tăng so với các năm trước.
Để giữ nhiệt cho các hoạt động mua sắm vào dịp này, các nhà bán lẻ “đạp giá”, phá giá, “bom quà”, tức giảm giá bán hoặc tặng quà khi mua sắm. FPT Shop cho biết triển khai nhiều chương trình giảm giá và khuyến mại vào các dịp như 14/2, 8/3 nhằm kích thích nhu cầu của thị trường. Như chương trình trả góp nhằm sở hữu iPhone 7 với giá phải trả ban đầu 7 triệu đồng, hay chương trình thu iPhone cũ đổi iPhone mới. Không kém cạnh, Thế Giới Di Động cũng có những mẫu máy bán giảm giá cả triệu đồng so với giá niêm yết khi mua online.
Một trong những “chiêu” được dùng nhiều hiện nay chính là trả góp, nhiều nơi còn có chương trình trả góp lãi suất 0%. Với hình thức này, người mua chỉ cần trả trước một số tiền khoảng 30% giá trị máy để “rước” chiếc điện thoại mơ ước về nhà, số tiền còn lại trả theo tháng, có khi lãi suất chỉ 0% như đã nói. Ông Võ Lê Tâm Thanh, chuyên viên phân tích thị trường thuộc nhóm nghiên cứu thiết bị người dùng của IDC Việt Nam, từng cho biết, hình thức mua sắm trả góp đang kích thích tiêu dùng rất lớn, kéo theo mức giá trung bình của smartphone tại Việt Nam tăng cao.
Tuy vậy ông Nguyên đánh giá không phải hệ thống nào cũng thành công với các chiêu thức này một khi thị trường đã vào tháng đi xuống.
Hiện nay, các nhà bán lẻ đang trông chờ vào chiếc Samsung Galaxy S8 dự kiến sẽ ra mắt tại Việt Nam vào đầu tháng 4 tới. Đây là sự kiện sẽ được Samsung tổ chức hoành tráng nhất từ trước đến nay . Việc bỏ tiền vào truyền thông, tiếp thị, cộng với sức ảnh hưởng của Samsung chắc chắn sẽ khởi đầu một mùa mua sắm mới với nhiều kỳ vọng hơn.
Thư mời của Samsung cho sự kiện ra mắt S8 ngày 29/3 tới.
Đại diện FPT Shop cho rằng rất tin tưởng vào sự thành công của Samsung Galaxy S8 sắp tới, và kỳ vọng chiếc smartphone này sẽ tạo doanh thu cao cho những tháng kế tiếp khi máy được giới thiệu tại thị trường Việt Nam.
Bên cạnh đó, loạt smartphone Android của Nokia vừa giới thiệu tại MWC 2017 dự kiến cũng về Việt Nam giữa năm nay , hứa hẹn tạo một luồng gió mới cho giới kinh doanh tại Việt Nam.
"Khi thị trường hiện nay chỉ mỗi Samsung, Apple, Oppo sáng giá, Nokia sẽ là làn gió mới được đặt nhiều hy vọng. Với thương hiệu vẫn được nhiều người ưa chuộng, Nokia có lợi thế khi xâm nhập thị trường trở lại trong vài tháng tới", ông Mai Triều Nguyên nhận định.