Sau những tranh luận về “nước khoáng”, “nước suối”, người tiêu dùng lại phân vân về định nghĩa “nước tinh khiết”, “nước tinh lọc”… Cuối cùng, nước vẫn là nước nhưng tùy mục đích sử dụng, người tiêu dùng có thể chọn những sản phẩm phù hợp và quan trọng hơn cả là phải sạch và tốt cho sức khỏe.
Báo cáo Nghiên cứu thị trường của Euromonitor dự báo, thị trường nước uống đóng chai toàn cầu có thể tăng gần gấp đôi lên 319 tỉ USD về trị giá vào năm 2022. Ngày nay, người tiêu dùng tại các đô thị ở Việt Nam đã rất quen thuộc với nước đóng chai bởi tính tinh khiết và tiện dụng của các sản phẩm này. Vì thế, thị trường nước đóng chai rất phát triển trong những năm gần đây, thu hút được nhiều thương hiệu nước ngoài như Aquafina, Dasani…
Ngoài những thương hiệu lớn, thị trường hấp dẫn này cũng thu hút không ít các thương hiệu khác được sản xuất bởi các cơ sở sản xuất nhỏ với dây chuyền công suất từ 500 - 1.000 lít/giờ và chi phí sản xuất cho mỗi bình 20 lít khoảng 4.000 đồng bao gồm tem nhãn, màng co, khấu hao vỏ bình, điện nước...
Đây là thị trường cạnh tranh khốc liệt nên các cơ sở nhỏ này tìm mọi cách cắt giảm tối đa chi phí sản xuất, trong số đó, nhiều cơ sở sử dụng nguồn nước có chất lượng không đảm bảo dẫn đến tình trạng nước đóng chai kém chất lượng vẫn được tung ra thị trường. Theo Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm TP.HCM, thị trường tràn lan nhãn hiệu nước đóng bình, đóng chai nói là tinh khiết, là nước suối nhưng thực chất chỉ là nước giếng, nước thủy cục qua lắng lọc. Trong đó, nhiều mẫu nước uống đóng bình nhiễm vi sinh và lý hóa (hàm lượng đồng, chì, clo… vượt mức cho phép), có cặn đóng thành lớp. Điều này khiến nhiều người tỏ ra lo lắng vì nước uống đóng chai là mặt hàng được sử dụng rất phổ biến nên việc vi phạm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm có thể gây nhiều tác động không tốt đến sức khỏe người tiêu dùng.
Sự bát nháo của thị trường nước đóng chai làm dấy lên tin đồn thất thiệt nhắm vào các cơ sở sản xuất có thương hiệu là “nước lã đóng chai”. Đây cũng là hiểu nhầm của người tiêu dùng khi không nắm rõ sự khác biệt về quy trình sản xuất của nước tinh khiết đóng chai với khái niệm nước tinh khiết (pure water) so với nước sinh hoạt (domestic water) và nước uống được (fresh water). Nghĩa là để trở thành nước tinh khiết đóng chai, nước máy hay bất kỳ nguồn nước nào đều phải qua quá trình xử lý nghiêm ngặt, tuy nhiên mức độ nghiêm ngặt cũng như các tiêu chuẩn yêu cầu đối với từng loại nước trên đây là không giống nhau.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm cho biết theo quy định, nếu sử dụng nước giếng để sản xuất nước uống đóng bình thì bước đầu phải kiểm định 14 chỉ tiêu lý, hóa, vi sinh. Bước tiếp theo, sau khi nước được xử lý bằng thiết bị lọc thì phải đảm bảo 28 chỉ tiêu trước khi chiết vào bình. Đối với nước đóng chai của các cơ sở có uy tín, được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép thì bắt buộc tối thiểu phải tuân thủ theo các quy định quản lý “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai” do Bộ Y tế ban hành vào 2/6/2010 trong đó các chỉ số hóa lý và vi sinh đáp ứng an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì thế, theo các chuyên gia của Cục khảo sát địa chất Mỹ, Nhân tố quyết định chất lượng nước đóng chai là hệ thống dây chuyền sản xuất và quy trình tạo ra nó, còn nước tinh khiết (pure water) chỉ là một khái niệm được sử dụng chung.
Theo đại diện của Công ty Suntory PepsiCo Việt Nam, sự tinh khiết của nước uống đóng chai Aquafina tại Việt Nam được đảm bảo thông qua quy trình thanh lọc hiện đại, khắt khe theo tiêu chuẩn chất lượng của Tập đoàn PepsiCo toàn cầu. Quy trình “HydRO-7” độc quyền, duy nhất của PepsiCo này bao gồm các bước lọc, thẩm thấu ngược, tiệt trùng bằng Ozon và rất nhiều bước xử lý nghiêm ngặt khác để đảm bảo tất cả các tạp chất được loại bỏ, tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước khoáng thiên nhiên, nước uống đóng chai do Bộ Y tế ban hành và cả các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm đối với nước uống đóng chai của Tập đoàn PepsiCo toàn cầu. Hiện nay, Aquafina được đánh giá là một trong số thương hiệu nước uống đóng chai hàng đầu tại thị trường Việt Nam, được sử dụng rộng rãi ở tất cả các tỉnh thành trên toàn quốc và kể cả xuất khẩu.
Một cuộc khảo sát trực tuyến của Nielsen Việt Nam cho thấy, bên cạnh mối lo ngại về những bất ổn kinh tế, việc làm, thì sức khỏe là mối quan tâm tiếp theo của người tiêu dùng. Do đó, họ có xu hướng chọn các loại sản phẩm đảm bảo được yếu tố dinh dưỡng và an toàn. Đô thị hóa nhanh chóng khiến nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, khiến người dân càng lựa chọn thận trọng hơn cho từng chai nước uống. Vì thế, theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nếu phải dùng nước đóng chai, nước khoáng, nên dùng các sản phẩm đã được cơ quan chức năng kiểm nghiệm, có hàm lượng các chất đúng theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.