Đồng thời với việc đưa ra một thiết kế iPhone mới, Apple cũng có thể nắm độc quyền mảng kinh doanh sửa chữa chiếc smartphone danh tiếng này.
Tuần trước, tạp chí Wall Street Journal cho biết rằng chiếc iPhone mới sẽ có những thay đổi đáng kể. Báo cáo nhấn mạnh đến việc nút Home sẽ bị loại bỏ và thay thế cho nó sẽ là một miếng thủy tinh. Một hành động tưởng chừng vô hại này trên thực tế đang trở thành trung tâm cho một cuộc tranh cãi pháp lý giữa Apple, công ty lớn nhất nước Mỹ và hàng nghìn cửa hàng sửa chữa smartphone độc lập.
Loại bỏ nút Home có nghĩa là sẽ phải chuyển cảm biến quét vân tay Touch ID vào bên trong màn hình. Điều này sẽ mang lại cho Apple một lợi ích phụ là họ được độc quyền sửa chữa màn hình. Apple sẽ có khả năng kiểm soát không giới hạn quyền sở hữu và sửa chữa điện thoại của bạn, cũng có nghĩa là trong tương lai gần, một công việc đơn giản như thay màn hình iPhone sẽ chỉ có duy nhất một công ty làm được, Apple.
Tin đồn về một chiếc iPhone không phím Home đang gây lo lắng cho cộng đồng các nhà sửa chữa độc lập.
Trong khi báo cáo của Wall Street Journal có vẻ đúng sự thật, động thái này sẽ ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động của 15.000 công ty sửa chữa smartphone độc lập chỉ riêng tại nước Mỹ, phần lớn trong số họ là các công ty nhỏ, hoạt động chủ yếu dựa vào iPhone và chuyên thay thế màn hình. Không những vậy, nó cũng sẽ đe dọa đến quyền sở hữu của người dùng khi họ phải phụ thuộc vào Apple để sửa chữa điện thoại của mình.
Hiện tại các nhà sửa chữa màn hình iPhone hoạt động như thế nào
Nếu bạn làm vỡ màn hình iPhone và đưa tới một công ty thứ ba để sửa chữa, kỹ thuật viên của công ty có thể thay màn hình bị vỡ bằng một màn hình mới. Màn hình mới có thể lấy từ một điện thoại khác hoặc nó có thể là phần linh kiện được tuồn ra từ một số nhà máy ở Trung Quốc. Dù chất lượng giữa các linh kiện này rất khác nhau, nhưng kỹ thuật viên không bao giờ thay thế Touch ID. Thay vào đó, họ chuyển từ màn hình cũ của bạn sang màn hình mới.
Cảm biến Touch ID được cặp với một con chip Secure Enclave bên trong điện thoại. Con chip này lưu trữ các dữ liệu về dấu vân tay, mật khẩu và các thông tin mật mã khác của bạn bằng cách sử dụng một máy tạo số ngẫu nhiên tích hợp bên trong. Tuy nhiên, một điều cần lưu ý rằng, các tính năng bảo mật này được làm ra để ngăn chặn khả năng sửa chữa, thay vì mã hóa tổng thể dữ liệu trên iPhone.
Tháo và chuyển Touch ID sang màn hình điện thoại mới.
Bởi vì các dấu vân tay được lưu trữ trên con chip Secure Enclave chứ không phải trên bản thân cảm biến Touch ID, nên không thể lưu lại dấu vân tay trên cảm biến của một máy điện thoại, sau đó chuyển nó sang máy điện thoại khác và dùng nó để mở khóa điện thoại. Điều này giúp ngăn chặn khả năng một kẻ nào đó thay nút bấm để mở khóa điện thoại và lấy dữ liệu của bạn.
Ngoài ra trong một tài liệu của mình, Apple cho biết rằng, cả Secure Enclave và Touch ID đều có chung một khóa chia sẻ (shared key) của thiết bị - một chữ ký mật mã độc nhất dùng chung giữa Touch ID và chip Secure Enclave. Điều này có nghĩa là bản thân cảm biến Touch ID khi bị đổi sang một máy điện thoại khác, sẽ không hoạt động với chip Secure Enclave trên máy đó, bởi vì nó không có cùng một khóa mật mã chia sẻ.
Các cửa hàng Apple Store sửa chữa màn hình iPhone như thế nào
Nếu chiếc điện thoại của bạn bị hỏng màn hình và được đưa tới cửa hàng Apple Store, các Genius sẽ không phải chuyển phím bấm từ màn hình cũ sang màn hình mới. Theo hai cựu nhân viên và một người hiện đang làm tại Apple Store, có một chiếc máy có tên “Calibration Machine” trong phòng sau của mỗi cửa hàng, được dùng để thiết lập lại việc bắt cặp giữa phím bấm Touch ID và chip Secure Enclave. Vì vậy, khi Apple thay thế màn hình cho bạn, họ chỉ cần căn chỉnh lại phím bấm mới để nó hoạt động với chiếc điện thoại hiện tại.
Hình ảnh hiếm hoi mới được tiết lộ về cỗ máy căn chỉnh bí ẩn của Apple.
Các nhân viên Apple còn cho biết thêm rằng chiếc máy căn chỉnh này có giá từ 20.000 đến 60.000 USD (có nhiều model khác nhau), và nó chỉ xuất hiện trong các cửa hàng Apple Store, chứ không có trong các cửa hàng của các “Nhà cung cấp dịch vụ ủy quyền của Apple”. Không có hình ảnh nào được công bố về chúng, và gần như không thể chụp hình các cỗ máy này, khi luôn có người ở bên cạnh và camera ở khắp mọi nơi.
Không chỉ chiếc máy căn chỉnh này, ngay cả con chip Secure Enclave cũng được Apple giữ bí mật rất chặt chẽ, và chỉ có một số ít người bên ngoài Apple biết các chi tiết cụ thể về mối quan hệ giữa Touch ID và chip Secure Enclave. Một trong các chuyên gia bảo mật iOS nói chuyện với Motherboard chỉ có thể suy đoán về cơ chế của chiếc máy căn chỉnh điện thoại. Với Apple, tất nhiên họ giữ im lặng về vấn đề này.
Cho dù chúng ta không biết chính xác về cách Apple căn chỉnh lại điện thoại như thế nào, các Genius cho biết rằng cỗ máy này cũng không thể vượt qua “Khóa kích hoạt iCloud” – một biện pháp an ninh để khóa cứng điện thoại khi nó được thông báo là bị đánh cắp. Việc căn chỉnh lại chỉ có thể thực hiện khi người dùng xác thực mình là chủ sở hữu bằng cách nhập mật khẩu.
Số phận của những màn hình vỡ trong tương lai
Giờ đây, nếu các tin đồn trở thành sự thật với Touch ID được tích hợp vào màn hình và nút Home bị loại bỏ hoàn toàn khỏi thiết bị, vậy bất kỳ chiếc điện thoại nào bị vỡ màn hình sẽ đều phải được căn chỉnh lại với con chip Secure Enclave để hoạt động chính xác. Và nếu Apple kiểm soát cỗ máy duy nhất có thể thực hiện việc này, các công ty sửa chữa độc lập gần như sẽ bị biến mất.
iFixit, một công ty chuyên đăng tải các hướng dẫn sửa chữa đồ điện tử trên website của họ và bán các linh kiện thay thế của iPhone cho biết rằng, có gần 15.000 công ty đã đăng ký chương trình khuyến mại bán buôn linh kiện của họ, phần lớn các công ty này sẽ rơi vào cảnh khó khăn khi Apple thực hiện thay đổi này với iPhone.
Theo Kyle Wiens, CEO của iFixit cho biết. “Nếu Apple tích hợp một bộ phận bảo vệ bằng mật mã với một bộ phận thường xuyên phải sửa chữa vì hư hỏng, đó sẽ là vấn đề với chúng ta. Một lượng đáng kể người dùng smartphone đã làm vỡ màn hình của họ. Đó là một bộ phận phải sửa chữa rất phổ biến, và công việc sửa chữa đó đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế.”
Quyền được sửa chữa – hy vọng cuối cùng cho các nhà sửa chữa độc lập
Nếu tương lai mờ mịt này thành hiện thực, hy vọng duy nhất cho các cửa hàng sửa chữa độc lập là đạo luật "Quyền được sửa chữa", đang được xem xét bởi 8 bang của nước Mỹ. Theo đạo luật này, các nhà sản xuất như Apple sẽ “phải cho phép các nhà sửa chữa độc lập và người sở hữu thiết bị khả năng mua được toàn bộ các công cụ sửa chữa, chuẩn đoán tương tự như trang thiết bị mà nhà sản xuất trang bị cho đội sửa chữa hoặc nhân viên kỹ thuật của riêng họ.”
Nếu đạo luật này được thông qua, Apple sẽ buộc phải bán chiếc máy căn chỉnh của mình ra thị trường mở. Tất nhiên không phải cửa hàng nào cũng sẽ mua một chiếc máy căn chỉnh giá 20.000 USD chỉ để sửa vài chiếc iPhone, nhưng nhiều công ty lớn đã sẵn sàng bỏ hàng chục nghìn USD chỉ cho một chiếc kính hiển vi thì chắc chắn họ sẽ mua cỗ máy này khi nó được bán.
Rõ ràng đây là điều Apple không mong muốn. Họ đang vận động hành lang mạnh mẽ để chống lại việc thông qua đạo luật này. Công ty nói với các nhà làm luật rằng, đạo luật Quyền được sửa chữa này sẽ tạo ra các lỗ hổng bảo mật cho khách hàng của họ, và khi ở Nebraska, đại diện công ty cho rằng, nó sẽ biến bang này thành thánh địa cho các hacker.
Trong khi Apple không bao giờ chỉ rõ đó là những loại lỗ hổng bảo mật nào, và như những gì các nhân viên của Apple cho chúng ta biết ở trên về chiếc máy căn chỉnh bí mật này, ta có thể thấy rằng không có mật khẩu từ người dùng, chiếc máy sẽ không thể mở khóa hay truy cập vào dữ liệu bên trong điện thoại. Vì vậy, việc bán rộng rãi chiếc máy căn chỉnh ít khả năng gây ra vấn đề đối với việc bảo mật iPhone.
Theo Luca Todesco, một trong những người jailbreak iPhone nổi tiếng nhất thế giới, về lý thuyết ý định hack Touch ID qua chiếc máy căn chỉnh này là điều xa vời và cho dù có đi nữa cũng sẽ có các biện pháp đơn giản để phòng chống.
Vì vậy, cộng đồng các nhà sửa chữa độc lập cho rằng lập luận của Apple chỉ nhằm gây ra sự sợ hãi trong người tiêu dùng. Một trong những ví dụ cho lập luận của họ là trước đây, Apple từng phát hành bản cập nhật gây ra lỗi Error 53, làm khóa cứng những chiếc iPhone có Touch ID được bên thứ ba sửa chữa, với lý do “bảo vệ tính bảo mật cho khách hàng.” Tuy nhiên, sau đó họ lại thừa nhận rằng, Error 53 là một sai lầm và họ “không cố ý gây ảnh hưởng đến khách hàng.”
Không những vậy, theo các nhà sửa chữa, việc bảo vệ khách hàng bằng cách tước đi quyền tự do lựa chọn của họ là không thể chấp nhận được. Theo bức thư của Jessa Jones, một trong những chuyên gia sửa chữa iPhone và phục hồi dữ liệu giỏi nhất thế giới, gửi tới các nhà làm luật ở Nebraska, cô cho rằng.
“Trong các ngành công nghiệp bảo mật khác như nghề thợ khóa, không có quy định phòng ngừa nào được đặt ra để bảo vệ người dùng khỏi các ý định tội phạm.” Jones viết. “Người tiêu dùng tận hưởng sự tự do sử dụng bất kỳ thợ khóa nào họ chọn. Tội phạm cứ làm việc của tội phạm. Nó sẽ là điều chống lại sự tự do của công dân khi liên tục yêu cầu người tiêu dùng ném đi các đồ vật đã qua sửa chữa, do lo ngại về các hành vi tội phạm, đặc biệt là khi không có bằng chứng nào cho thấy có rủi ro bảo mật từ phía các nhà sửa chữa độc lập.”