“Uber đã nộp gần 30 tỷ đồng tiền thuế tại Việt Nam”

19:59
Theo dữ liệu của Tổng cục Thuế, Uber đã nộp gần 30 tỷ đồng tiền thuế tại Việt Nam...

“Uber đã nộp gần 30 tỷ đồng tiền thuế tại Việt Nam”
Câu chuyện về Uber bị Bộ Giao thông Vận tải trả lại “Đề án thí điểm Ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” gây sự chú ý của nhiều người thời gian gần đây. Đặc biệt, vấn đề thu thuế của Uber tiếp tục được báo chí, giới chuyên gia trong ngành mổ xẻ.
Tại buổi tọa đàm “Việt Nam thích ứng thế nào với các hiện tượng kinh tế mới?”, ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng - Trưởng ban cải cách, hiện đại hóa - Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), cho biết, đến nay, theo dữ liệu của cơ quan thuế, Uber đã nộp gần 30 tỷ đồng tiền thuế. Trong đó, nghĩa vụ thuế nhà thầu khoảng gần 10 tỷ đồng, còn lại kê khai nộp hộ các lái xe tham gia mạng lưới khoảng hơn 20 tỷ đồng.
Theo ông Tiến, Uber là một hiện tượng mới. Bộ Kế hoạch Đầu tư chưa có phân ngành hoạt động đó trong các hoạt động kinh tế tại Việt Nam. Bộ Giao thông Vận tải nêu rằng, đây có phải là hoạt động vận tải hay là hoạt động công nghệ kết nối vận tải. Tuy nhiên, hiện vẫn còn là tranh cãi.
“Nhưng từ vai trò quản lý nhà nước về thuế, chúng tôi đã phải bước lên phía trước. Bởi, doanh nghiệp đã hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, đã phát sinh thu nhập ở Việt Nam, chúng tôi nhìn nhận được cơ sở thu nhập phát sinh, người Việt Nam tiêu dùng là phải nộp thuế”, ông Tiến khẳng định.
Theo ông Tiến, việc thu thuế của Uber hay các hoạt động kinh tế mới không phải “bó tay”. Thực tế, nhiều hoạt động kinh tế xuyên biên giới đều đã có quản lý và có kết quả.
Vị này lấy ví dụ, có một doanh nghiệp chuyên về các dịch vụ tìm từ khóa, các tích hợp của nhà cung cấp Google tại Việt Nam, sau khi thanh tra ở cấp quận, họ cũng chấp nhận nộp bổ sung thêm hơn 5 tỷ đồng tiền thuế nhà thầu thay cho Google.
Đối với “tiền ảo”, như trường hợp Bitcoin, có trường hợp một thanh niên ở một tỉnh nhỏ đã mua bán trên thị trường quốc tế trong 2 năm đạt được doanh số hơn 600 tỷ. Khi đó, cũng có quan điểm cứ muốn hình sự hóa hành vi, hoặc thu thuế họ.
Khi cơ quan thuế vào, trao đổi qua lại với Bộ Công an thì nhất trí đây là hành vi kinh doanh mới. Cuối cùng, cá nhân người thanh niên đó cũng chủ động kê khai thu nhập cá nhân.
“Những trường hợp như vậy để nói rằng, ngành thuế nói chung đã quản lý được các hoạt động này rồi, đã phát sinh được số thu thuế rồi chứ không phải bó tay”, vị này khẳng định.
Thâm nhập thị trường Việt Nam vào năm 2014, cho đến nay, việc thu thuế đối với Uber vẫn gây nhiều tranh cãi. Hồi tháng 9/2016, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản hướng dẫn phương án thu thuế với Công ty Uber Hà Lan.
Do không hoạt động tại Việt Nam nên Uber phải uỷ quyền cho Công ty TNHH Uber Việt Nam hoặc một tổ chức khác kê khai, nộp thuế theo hợp đồng ký kết với doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải.
Ngoài ra, công ty này không đủ điều kiện nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ, nên sẽ áp dụng phương pháp trực tiếp trên tổng doanh thu.
Cụ thể, doanh nghiệp sẽ được tính thuế giá trị gia tăng trên doanh thu được hưởng theo tỷ lệ, là 3%. Thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu được tính theo tỷ lệ 2%.
Phần thuế phải nộp của các tài xế, công ty nộp theo tỷ lệ 3% đối với VAT, 1,5% với thuế thu nhập cá nhân trên doanh thu được hưởng.
Previous
Next Post »